Nội dung bài giảng
TUỔI THƠ CƠ CỰC
Michael Faraday (1791 - 1867) là nhà Vật lý, Hóa học thiên tài người Anh. Ông có rất nhiều cống hiến cho nhân loại trên lĩnh vực điện từ và hóa học. Sinh ra trong một gia đình nghèo, có cha làm thợ rèn, mẹ là nội trợ. Từ nhỏ, cậu bé Faraday đã tỏ ra thông minh, ham học. Một hôm, thầy giáo thấy Faraday đến lớp muộn, không mang cặp sách, nghẹn ngào: “Thưa thầy, con đến xin phép thầy thôi học để ở nhà trông em vì dạo này cha con không có việc làm, mẹ con phải đi giặt thuê để kiếm tiền nuôi gia đình”. Rồi cậu bé oà khóc nức nở. Thầy giáo xúc động đặt tay lên đôi vai gầy guộc của Faraday và nói: “Hãy dũng cảm lên Faraday! Đừng nản chí, con phải giữ vững lòng tin vào cuộc sống.” Sau đó, ông sớm phải thôi học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cha ông mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau liên miên.
Michael Faraday - Nhà Vật lý thiên tài của thế kỷ XIX. Ảnh: Science Photo Library.
TRỞ THÀNH CẬU BÉ ĐÓNG SÁCH - BƯỚC NGOẶT CUỘC ĐỜI
Năm 14 tuổi, cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn, Faraday xin làm việc tại “Hiệu bán sách và đóng sách Riebau” ở London. Ông chủ hiệu Riebau cho chú bé ở hẳn trong xưởng với điều kiện phải giúp ông mọi việc trong nhà, còn chú bé chỉ có một nguyện vọng duy nhất là buổi tối khi xong xuôi công việc, được phép đọc sách thỏa thích. Ông Riebau phát hiện tính ham đọc sách của Faraday và khuyên cậu đọc các sách khoa học. Nghe theo, cậu bắt đầu đọc cuốn Những mẩu chuyện về hóa học của Marcet. Vừa đọc mấy trang đầu, cậu đã ngạc nhiên: “Thì ra không khí mà mọi người đang hít thở là một hỗn hợp nhiều thứ khác nhau”. Faraday nhổm dậy, cầm cây nến đi soi tìm cái chậu đựng nước và một cái cốc, quyết định tự tay làm một thí nghiệm đơn giản theo sách. Cậu gắn cây nến lên cái nút bấc thả nổi trên mặt nước, châm lửa đốt nến, rồi úp cái cốc lên đậy kín cả nến là nút bấc, ngọn lửa lụi dần rồi tắt ngấm. Cậu đo mực nước trong cốc sau khi nến tắt ngúm và thấy đúng là phần khí còn lại trong cốc chiếm 4/5 thể tích, cậu vui sướng reo lên và say mê đọc những phần tiếp theo.
Thí nghiệm chứng minh oxy chiếm 20% thành phần không khí
Được sự động viên của gia đình, sự giúp đỡ của ông Riebau và bạn bè, Faraday dự các lớp học buổi tối do Hội triết học tổ chức. Anh thợ trẻ chưa học hết lớp 2 chăm chú nghe giảng, ghi chép rất đầy đủ. Lòng ham học của anh được giáo sư hóa học Humphry Davy - Hội viên Hội khoa học Hoàng gia Anh - chú ý và nhận làm thư ký cho mình. Không những ghi chép chính xác các tư tưởng khoa học của Davy, anh còn tham gia vào việc phân tích các số liệu thực nghiệm, nhận xét các kết luận khái quát của nhà bác học đáng kính này. Giáo sư Davy ngày càng yêu mến và tin tưởng Faraday, ông đã vận động cho Faraday được nhận vào làm việc ở Hội Hoàng gia. Ngày 01/03/1813, anh thợ trẻ Faraday trở thành phụ tá tại phòng thí nghiệm của giáo sư Davy. Kể từ đây, cuộc đời anh bước sang trang mới.
Giáo sư Hóa học Humphry Davy. Ảnh: Thomas Phillips
Bạn thấy đấy, nghịch cảnh của cuộc sống,là điều mà trong cuộc đời của mỗi người đều phải trải qua. Nghịch cảnh xảy ra không ai muốn, nhưng thực tế nghịch cảnh không phải là bất hạnh mà đó là món quà mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng ta. Chính những khó khăn, cơ cực đã trui rèn một Faraday ham học, nghị lực phi thường. Bất cứ khó khăn, thách thức đều kèm cho chúng ta những cơ hội, là sức bật của chúng ta trong tương lai.
(còn tiếp phần 2)
Bích Phương sưu tập, có chỉnh sửa bổ sung.
Nguồn: Vật lý hỏi và đáp - NXB Đại học quốc gia.
Tác giả: Nguyễn Hữu Thọ.