Nội dung bài giảng
CỐC THỦY TINH MỎNG HAY CỐC THỦY TINH DÀY BỀN HƠN?
Cốc thủy tinh là một sản phẩm không thể thiếu của các gia đình, khi lựa chọn mua sắm để sở hữu cho mình những chiếc cốc thủy tinh bền đẹp. Người ta thường xem độ dày của cốc chính là một trong những yếu tố để kết luận một sản phẩm chất lượng. Liệu tâm tâm lý ăn chắc, mặc bền này có thực sự đúng trong mọi trường hợp. Sự thật có phải những chiếc cốc dày luôn bền hơn những chiếc cốc mỏng manh? Hãy cùng congthucvatly.com khám phá nhé!
Chúng ta làm một thí nghiệm nhỏ, đổ nước sôi vào hai chiếc cốc thuỷ tinh: một cốc mỏng và một cốc dày. Đảm bảo nước sôi cùng nhiệt độ, cách rót như nhau, lượng nước như nhau nhưng kết quả chịu nhiệt giữa hai chiếc cốc sẽ có sự khác nhau.
Kết quả là cốc thủy tinh dày sẽ nhanh vỡ hơn so với cốc thủy tinh mỏng. Vì sao vậy?
TẠI SAO KHI ĐỔ NƯỚC SÔI CỐC THỦY TINH DÀY DỄ VỠ HƠN SO VỚI CỐC THỦY TINH MỎNG?
Theo tính chất sự nở vì nhiệt của chất rắn, chất rắn nở ra khi nóng lên và co lại khi lạnh đi. Khi ta đổ nước sôi đột ngột vào cốc, do tính dẫn nhiệt kém của thủy tinh, lớp bên trong của thành ly dãn nở nhiều hơn lớp bên ngoài của thành ly, lớp bên ngoài trở thành vật cản trở lớp bên trong, tạo ra một lực lớn làm cốc bị nứt vỡ.
Còn đối với cốc mỏng khi rót nước sôi vào, cốc mỏng sự truyền nhiệt nhanh nên lớp mặt trong và lớp mặt ngoài đều bị nóng lên cùng nhau, sự nở đều diễn ra ở cả hai mặt nên cốc dù mỏng mà lại không bị vỡ.
Thí nghiệm trên là minh chứng cho trường hợp cốc thủy tinh dày thường dẽ bị vỡ hơn khi rót nước sôi chứ thực tế không phải là cứ cốc thủy tinh dày, cứ rót nước sôi là sẽ vỡ. Ngoài ra, congthucvatly.com sẽ chỉ cho các bạn các mẹo giúp cốc thủy tinh dày không bị vỡ khi rót nước sôi.
MẸO GIÚP CỐC THỦY TINH KHÔNG BỂ KHI RÓT NƯỚC SÔI
Luộc cốc thủy tinh
Khi mới mua cốc thủy tinh, bạn cho chúng ngập vào 1 nồi nước muối và đun nóng dần đến khi nước sôi. Sau đó, thì bạn tắt bếp, đợi nước nguội bớt thì với vật dụng thủy tinh ra rửa lại bằng nước lã nhé. Việc luộc cốc thủy tinh sẽ giúp cốc thủy tinh làm quen với nhiệt độ cao và giúp cốc kiểm soát được được nhiệt độ.
Dùng thìa kim loại
Những cốc thủy tinh dày mỏng không đều nhau khả năng vỡ xảy ra cao nhất, có thể khắc phục bằng cách đặt vào cốc một vật làm bằng kim loại như thìa nhôm, inox, sau đó mới rót nước sôi vào cốc. Vì kim loại là chất dẫn nhiệt tốt nên sẽ nhanh chóng hấp thụ một phần nhiệt lượng, giúp nhiệt độ trong ly chênh lệch không cao so với nhiệt độ bên ngoài.
Rót nước sôi từ từ
Không rót nước sôi vào cốc khi trong cốc chứa nước lạnh. Rót nước vào giữa cốc một cách từ từ, không rót lệch sang một bên vì giữa cốc bao giờ cũng dày hơn thành cốc.
Sưu tầm và biên tập: Ngọc Hà.