Nội dung bài giảng
- 1. Henry Winstanley – Ngọn đèn hải đăng Eddystone
- 2. Jean-François Pilâtre de Rozier – Khinh khí cầu đầu tiên trong lịch sử
- 3. William Bullock – Máy in quay phiên bản cải tiến
- 4. Otto Lilienthal – Chiếc tàu lượn đầu tiên
- 5. Marie Curie – Mẹ đẻ của chất phóng xạ radium và plutonium
- 6. Thomas Andrews – Kỹ sư thiết kế con tàu Titanic huyền thoại
- 7. Louis Slotin – Thí nghiệm “vô tình” của beryllium và plutonium
- 8. Horace Lawson Hunley – Phát minh tàu ngầm
- 9. Jimi Heselden – Xe điện cân bằng Segway
1. Henry Winstanley – Ngọn đèn hải đăng Eddystone
Đầu tiên phải kể đến kiến trúc sư kiêm kỹ sư nổi tiếng người Anh - Henry Winstanley (1644 - 1703). Sau khi cả cả hai con tàu của mình bị chìm vì va phải dải đá ngầm Eddystone, ông nhận thấy cần xây dựng một ngọn đèn hải đăng để chỉ đường và báo hiệu cho các tàu thuyền qua lại nơi đây. Đầu năm 1703, ông cho xây dựng hải đăng Eddystone đầu tiên và tự hào ước rằng có thể ở trong ngọn hải đăng này vào thời điểm xảy ra cơn bão lớn nhất lịch sử. Winstanley không ngờ điều ước của ông được thực hiện chẳng bao lâu sau đó. Đêm 26/11/1703, một trong những cơn bão huỷ diệt kinh khủng nhất nước Anh xuất hiện, làm rung chuyển các dải đá ngầm và gây thiệt hại khôn lường. Sáng hôm sau, khi trời quang mây tạnh và các con tàu cập bến khu vực Eddystone Rocks, người ta thấy ngọn hải đăng vĩ đại của Winstanley biến mất và ông ra đi vĩnh viễn cùng tác phẩm sáng tạo của mình.
2. Jean-François Pilâtre de Rozier – Khinh khí cầu đầu tiên trong lịch sử
Jean-François Pilâtre de Rozier (1754-1785) là giáo viên dạy Vật lý và Hóa học ở Pháp cuối thế kỷ XVIII. Năm 1783, ông chế tạo khinh khí cầu đầu tiên và thử nghiệm thành công chuyến bay cho một số con vật. Sau đó, ông tự mình tiến hành thí nghiệm rơi tự do từ khinh khí cầu ở độ cao 1000 mét. Không dừng ở đó, ông còn lên kế hoạch dùng khinh khí cầu bay qua eo biển từ Pháp sang Anh và đó cũng là chuyến bay cuối cùng của nhà phát minh. Vì gặp phải một luồng khí nóng, khinh khí cầu của Rozier xì hơi và rơi, khiến ông tử thương sau đó. Cái chết của nhà khoa học này là một mất mát lớn của khoa học. Song thành tựu mà Rozier đã để lại chính là cơ sở phát triển của ngành hàng không sau này.
3. William Bullock – Máy in quay phiên bản cải tiến
William Bullock (1813-1867) là cha đẻ của phát minh máy in quay Bullock. Chiếc máy in là phiên bản cải tiến đáng kể với tốc độ và hiệu quả tuyệt vời. Trong một lần điều chỉnh máy ép, ông vô tình kẹt chân vào động cơ máy, vết thương nhiễm trùng, khiến ông tử vong sau đó.
4. Otto Lilienthal – Chiếc tàu lượn đầu tiên
Otto Lilienthal (1848-1896) là người đi tiên phong trong lĩnh vực phát triển hàng không, cũng là tác giả của chiếc tàu lượn đầu tiên. Nhà phát minh tài ba người Đức này đã thực hiện thành công hơn 2500 chuyến chuyến bay bằng sáng chế của mình trong suốt 5 năm liền, cho đến một ngày định mệnh năm 1896, khi tàu lượn của ông rơi từ độ cao 17 mét. Ông bị gãy cột sống và qua đời vào hôm sau. Lời trăng trối của Lilienthal là nguồn cảm hứng cho những ai phải đối mặt với trở ngại khi cố gắng làm được điều gì đó lớn lao trong cuộc sống: “Cần phải có những hy sinh nhỏ nhoi”.
5. Marie Curie – Mẹ đẻ của chất phóng xạ radium và plutonium
Là người phụ nữ đầu tiên đoạt giải thưởng Nobel và cũng là người đầu tiên hai lần đoạt giải thưởng danh giá này. Đáng buồn thay, Marie Curie (1867-1934) còn là nạn nhân của chính phát minh của mình.
Bà được công nhận là người phát hiện ra hai chất phóng xạ radium và plutonium, mặc dù radon, một chất phóng xạ do sự phân giải của radium, đã từng được Marie Curie và những người khác sử dụng để điều trị y tế cho các binh sĩ bị thương trong chiến tranh, nguyên tố này cuối cùng cũng bị phát hiện là đã gây ra tác dụng phụ làm chết người. Sau cả cuộc đời làm việc với các vật liệu phóng xạ, sức khỏe của bà dần dần bị hủy hoại và bà qua đời ở tuổi 66. Vào thời điểm đó, nguyên nhân cái chết của bà ghi trong bệnh án chỉ là do suy tủy, nhưng sau này người ta mới biết đó là do tiếp xúc với các chất phóng xạ.
6. Thomas Andrews – Kỹ sư thiết kế con tàu Titanic huyền thoại
Chuyên gia hàng hải người Iceland - Thomas Andrews (1873-1912) là một trong những kiến trúc sư của nhóm kỹ sư thiết kế con tàu Titanic huyền thoại. Là một nhà đóng tàu có trách nhiệm, ông đã có mặt trên tàu Titanic để tham gia chuyến đi biển đầu tiên trên tàu du lịch từng được tán dương là “không thể chìm” này. Lúc 23 giờ 40 phút đêm ngày 14/4/1912, Titanic va phải đá ngầm và chìm xuống đáy Đại Tây Dương với hơn 1500 người, trong đó có Andrews.
7. Louis Slotin – Thí nghiệm “vô tình” của beryllium và plutonium
Louis Slotin (1910 – 1946) là nhà Vật lý người Canada từng tham gia chương trình hạt nhân Manhattan (chương trình chế tạo bom nguyên tử của Mỹ). Một lần thực hiện thí nghiệm, ông vô tình đánh rơi bình cầu có chứa chất beryllium vào một bình cầu chứa plutonium (một chất phóng xạ mạnh) cùng các chất hóa học khác. Sơ suất này gây ra một phản ứng hóa học kinh hoàng. Những người có mặt gần đó thấy đám khói màu xanh lan tỏa, cảm giác nóng rát nhanh chóng xuất hiện. Slotin chạy vội ra ngoài, song ông đã ngất xỉu ngay sau đó và được đưa vào bệnh viện. Ông qua đời sau 9 ngày điều trị vì bị nhiễm phóng xạ quá nặng. Vụ tai nạn “nghề nghiệp” mà Slotin gặp phải có cường độ phóng xạ tương đương với một vụ nổ bom nguyên tử khi đứng cách xa 1,5 km.
8. Horace Lawson Hunley – Phát minh tàu ngầm
Không chỉ là một nhà Lập pháp, Luật sư kiêm Kỹ sư Hàng hải cho quân đội miền Nam đang đòi ly khai, Horace Lawson Hunley (1923-1863) còn nổi tiếng vì phát minh ra tàu ngầm trong cuộc nội chiến 1860-1865 ở nước Mỹ. Sáng chế của Hunley đã gặp sự cố khi 5 trong số 9 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng ngay trong lần hạ thủy đầu tiên. Tuy nhiên, nhà phát minh này vẫn có mặt trên tàu ngầm trong nỗ lực thứ hai nhằm tấn công điểm phong tỏa của chính phủ Liên Bang ở cảng Charles bằng “cỗ máy lặn kỳ quặc” của mình. Lần này, tất cả thủy thủ đoàn trong tàu ngầm đều tử nạn, trong đó có tác giả Hunley.
Quân đội miền Nam về sau đã khôi phục tàu ngầm này và nỗ lực công phá điểm phong tỏa lần thứ ba. Lần này thì họ thành công. Nhưng sau khi làm nổ tung một tàu chiến của chính phủ Liên Bang, toàn bộ tàu ngầm Hunley đã được phát hiện ở Đại Tây Dương, bên ngoài cảng Charleston.
9. Jimi Heselden – Xe điện cân bằng Segway
Ông Jimi Heselden (1948 - 2010), chủ sở hữu công ty Hesco Bastion (Anh) chuyên sản xuất loại xe Segway (xe điện cân bằng), đã thiệt mạng trong tai nạn do tự mình thử nghiệm một mẫu xe Segway X2 Adventure bị trượt khỏi vách đá. Cả tài xế và xe lao xuống dòng sông Wharfe, khiến doanh nhân thành đạt 62 tuổi này hy sinh. Mặc dù Jimi Heselden không phải là người phát minh ra xe Segway, ông chỉ là phó chủ tịch công ty đã mua bản quyền sản xuất loại xe này (nhà phát minh đích thực là Dean Kamen), nhưng bi kịch trớ trêu đã thuộc về người đàn ông phía sau phát minh, bị chính tâm huyết cả đời mình giết hại. Câu chuyện vẫn luôn được nhắc tới như một ví dụ điển hình về “sinh nghề tử nghiệp”.
Bích Phương sưu tập, có chỉnh sửa bổ sung.
Nguồn: Vật lý hỏi và đáp - NXB Đại học quốc gia
Tác giả: Nguyễn Hữu Thọ